Ý niệm tương quan giữa Âm nhạc và Kiến trúc. Âm nhạc trở thành “phần bù” không gian, phần sinh động biểu đạt cho hoạt động sống và tương tác giữa con người với tác phẩm kiến trúc, phần tinh thần hợp nhất giữa nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật âm nhạc trong một không gian kiến trúc, một tác phẩm kiến trúc cụ thể – Pavilion.

Không gian âm nhạc mộc (acoustic) của những nhạc cụ dân tộc Việt Nam do nhóm Ngô Hồng Quang và những người bạn sẽ đưa khán giả về với thiên nhiên, băng qua những bản làng đồng bằng rộng lớn, tới thăm những con người chân thật nơi rừng núi, gợi nhớ những ký ức bản địa xa xưa, trải nghiệm những miền văn hoá âm nhạc khác nhau của đất nước và hướng người nghe tới sự trân quý, gìn giữ những giá trị văn hoá và thiên nhiên trác tuyệt.

Từ những chất liệu âm nhạc dân gian của đồng bằng bắc bộ qua sự kết hợp của các nhạc cụ dây như Đàn Tranh, Đàn Nhị, Chiêng Dây với các nhạc cụ bằng tre như Sáo, Đàn Đó, người nghe sẽ được trải nghiệm một bức tranh âm nhạc mượt mà đầy sâu lắng. Những khí nhạc mang đậm âm hưởng núi rừng như Sáo Mèo, Đàn Môi (H’mong), Đàn Tính (Tày), Sáo Thiu (Thái) và một số những nhạc cụ gõ mang âm sắc và chất liệu thiên nhiên như Trống Thanh, Trống Lãng sẽ hoà quyện cùng nhau để tạo nên những tác phẩm âm nhạc bản địa đầy màu sắc.

Ngoài những tác phẩm âm nhạc dân gian được biểu hiện bằng những nhạc cụ trên, những bản nhạc được nghệ sĩ Ngô Hồng Quang sáng tác dựa trên chất liệu âm nhạc dân tộc vùng miền cũng được các nghệ sĩ trình diễn và hát với hình thức âm nhạc không gian mở để tạo sự phóng khoáng, trân trọng thực tại và biểu đạt sự tự do bay bổng của con người trong môi trường thiên nhiên mà họ đang sinh sống. Quan trọng hơn nữa, không gian âm nhạc mộc mạc đầy tính địa phương của người Việt sẽ được các nghệ sĩ trình diễn và chuyển hoá với một tinh thần cởi mở, một lối chơi nhạc hiện đại mang đậm tính ngẫu hứng, một hình thức biểu đạt âm sắc ngũ cung đầy tính kết nối và sẽ là một màn biểu diễn âm nhạc bản địa mang âm hưởng quốc tế, hướng tới những giá trị kết nối văn hoá mang tính đại đồng và bền vững.

__________

MOON ở paGOda INSIDE là một trải nghiệm mới với âm nhạc Trịnh Công Sơn của Giang Trang.

Trong trình diễn mới này, Giang Trang và các cộng sự tìm gặp Trịnh Công Sơn, người Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của thẩm mỹ Tây phương mà viết nên những áng thơ bay bổng, nhẹ nhõm trong tinh thần còn mang nguyên vẹn tính đương đại. Sự xuất hiện của tiếng người hợp tấu cùng guitar, sáo, tranh ngay tại khoảnh khắc hiện tại ở trong, ở cùng, ở với không gian tác phẩm kiến trúc ý niệm “PaGOda INSIDE” của KTS Hồ Mộng Long và cách kể chạm vào những cội nguồn thiên nhiên làm nên vẻ đẹp của Kiến trúc hay âm nhạc của Trịnh Công Sơn.
 
Khác với chặng đường 7 năm thử nghiệm dự án tìm tòi một chân dung văn hoá cá thể Trịnh Công Sơn qua âm nhạc, tác phẩm dưới sự bảo trợ của Trung tâm văn hoá pháp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam với các concept Lênh đênh nhớ phố (2012), Hạ huyền (2012), Chiều qua vẫn qua (2014), Hạ huyền 2 (2015), Nguyệt Hạ (2016), Nguyệt Hạ 2 (2018) mang nhiều chất đối thoại, tự sự cá nhân, “MOON ở the paGOda INSIDE” hướng đến tinh thần của một người tìm về bình yên, giữa ánh trăng mặt hồ mà tự nhiên bay bổng giao hoà cùng cái đẹp vô ngôn, cái đẹp của tạo hoá như một biểu tượng khó nắm bắt; xa/gần; vui/buồn; nhưng rất thật an ủi hoà ái gỡ đi những rào cản mâu thuẫn ngôn ngữ hay biên giới lòng người. Bên cạnh những di sản văn hoá Đông Tây góp nhặt được, còn có lời kinh kệ vô tình nằm ở đấy (*)

(*): chữ của TCS

Các nghệ sĩ trình diễn:

  • Ngô Hồng Quang (Hát, Đàn Nhị, Đàn Tính, Đàn Môi, Chiêng Dây)
  • Nguyễn Hoàng Anh (Sáo, Tiêu)
  • Mai Lê (Đàn Tranh)
  • Trần Xuân Hoà (Bộ Gõ, Handpan)
  • Đoàn Khoa (Beatbox)
  • Lê Thư Hương (Sáo)
  • Giang Trang (Hát)
  • Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuấn (phối khí, guitar)
Back

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.